Blog Single

Bức tranh tổng quan của hoạt động quản lý chất lượng

Để quản lý tốt hoạt động quản lý chất lượng, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về bức tranh tổng thể. Về cơ bản, hoạt động quản lý chất lượng được chia thành 5 hạng mục lớn như sau:

1-Quản lý chất lượng thời kỳ đầu

2-Quản lý chất lượng trong sản xuất hàng loạt

3-Xác nhận chất lượng sản phẩm sau khi sản xuất

4-Đối sách ngăn ngừa lỗi, ngăn ngừa tái phát

5-Hoạt động Kaizen chất lượng

Với từng hạng mục, chúng ta sẽ có những công việc khác nhau với từng mục đích cụ thể và đi kèm theo sẽ có những công cụ quản lý. Khi thực hiện quản lý chặt chẽ được 5 hạng mục ở trên thì chúng ta có thể yên tâm về vấn đề chất lượng.

 

■Quản lý chất lượng thời kỳ đầu là gì? Mục đích và nội dung của hoạt động này ra sao?

Đối với sản phẩm mới, bộ phận kỹ thuật bàn giao khuôn, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cho bên bộ phận sản xuất để tiến hành sản xuất hàng loạt. Trong thời kỳ ban đầu, chất lượng sản phẩm chưa đi vào ổn định và xảy ra nhiều lỗi. Càng xảy ra nhiều lỗi thì nguy cơ lưu xuất càng cao. Chính vì vậy chúng ta phải có cơ chế quản lý chặt chẽ song song với các hoạt động Kaizen.

※Quản lý chặt chẽ “ là quản lý như thế nào?

Kiểm tra tất cả các vị trí trên sản phẩm, kiểm tra qua 2 lần…mới được xuất cho khách hàng. Đây còn được gọi là kiểm soát đặc biệt.

※Thời hạn quản lý bao lâu?

Có thể là 1 tháng, 2 tháng… tùy theo sản phẩm, quy định của công ty, yêu cầu khách hàng.

※Điều kiện để kết thúc như thế nào?

Cần quy định rõ điều kiện để kết thúc : Tỉ lệ lỗi, Số lượng than phiền…

Tùy theo hiện trạng thực tế, chúng ta sẽ đưa ra quy định quản lý linh hoạt. Sau khi kết thúc hoạt động quản lý chất lượng thời kỳ đầu tức là chất lượng sản phẩm đã đi vào ổn định, lúc này chúng ta có thể nới lỏng hơn về quy định quản lý.

VD : Trong quản lý thời kỳ đầu chúng ta cần kiểm tra 2 lần mới được xuất hàng. Sau khi kết thúc quản lý thời kỳ đầu, chúng ta có thể chỉ cần kiểm tra 1 lần hoặc kiểm tra rút mẫu AQL để đánh giá.

■Quản lý chất lượng trong sản xuất hàng loạt cần làm những gì?

Sau khi kết thúc quản lý thời kỳ đầu, chúng ta bước vào giai đoạn quản lý sản xuất hàng loạt. Trong quản lý thời kỳ đầu chúng ta đã cất công xây dựng và quản lý công đoạn để sản phẩm đạt chất lượng ổn định và năng lực công đoạn được nâng cao. Sang đến giai đoạn sản xuất hàng loạt, việc duy trì cơ chế quản lý mà chúng ta đã đưa ra rất quan trọng. Tóm lại, chúng ta có thể hiểu rằng quản lý thời kỳ đầu nghĩa “Xây dựng”, quản lý sản xuất hàng loạt nghĩa là “Vận hành” hay “Duy trì” những thứ mà ta đã xây dựng. Về mục đích thì không có gì thay đổi đều là “Đảm bảo chất lượng hàng sản xuất thỏa mãn với yêu cầu của khách hàng”.

Sau khi xây dựng hệ thống quản lý và xác nhận tính khả thi bằng quản lý thời kỳ đầu, chúng ta sẽ đi vào quản lý sản xuất hàng loạt. Đối với quản lý sản xuất hàng loạt chúng ta có 9 nội dung dưới đây :

1-Quản lý tuân thủ

2-Quản lý Patrol chất lượng sản phẩm

3-Quản lý điểm thay đổi

4-Quản lý KYT chất lượng(Đào tạo nhận thức mối nguy hiểm)

5-Quản lý bất thường

6-Quản lý truy vết

7-Quản lý kỹ năng nhân viên

8-Quản lý máy móc thiết bị, gá jig

9-Quản lý môi trường thao tác

Những nội dung ở trên quản lý ở trên là những nội dung quản lý thường nhật với mục đích duy trì tính ổn định của chất lượng.

■Xác nhận chất lượng sản phẩm sau khi sản xuất nghĩa là gì?

Đây là hoạt động xác nhận sản phẩm để đánh giá chất lượng tạo ra trong quá trình sản xuất nhằm ngăn chặn lưu xuất lỗi đến khách hàng. Cụ thể ở đây chúng ta nói đến hoạt động kiểm tra. Kiểm tra là bước đánh giá để chọn ra những sản phẩm đạt yêu cầu, đồng thời loại bỏ sản phẩm lỗi. Đây có thể nói là một trong các hoạt động quan trọng để duy trì chất lượng. Xin lưu ý rằng, hoạt động kiểm tra tuy quan trọng, nhưng chất lượng lại là thứ được xây dựng trong các công đoạn từ hoạch định sản phẩm đến thiết kế, sản xuất, xuất hàng và dịch vụ sau bán hàng.

  1. Quản lý kiểm tra theo tiêu chuẩn
  2. Quản lý kiểm tra cảm quan
  3. Quản lý kiểm ra rút mẫu
  4. Quản lý kiểm tra mẫu Lot / Lô
  5. Quản lý kỹ năng nhân viên kiểm tra
  6. Quản lý thiết bị đo đạc
  7. Quản lý công đoạn bằng các công cụ thống kê

■Đối sách ngăn ngừa lỗi, ngăn ngừa tái phát là quản lý những gì?

Đây là hoạt động phân tích các lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất để đưa ra các biện pháp xử lý và đối sách ngăn ngừa tái phát.

  1. Quản lý về biện pháp xử lý lỗi phát sinh
  2. Quản lý phân tích nguyên nhân phát sinh
  3. Quản lý triển khai ngang
  4. Quản lý triển khai Pokayoke
  5. Quản lý lỗi phát sinh do lỗi con người

■Hoạt động Kaizen chất lượng triển khai ra sao?

Tinh thần Kaizen phải được xây dựng trong toàn công ty từ các bộ phận khối văn phòng đến các bộ phận dưới công xưởng. Thiết lập các chủ để thông qua câu lạc bộ QC để tiến hành thực hiện.

  1. Triển khai các hoạt động đào tạo về chất lượng
  2. Triển khai câu lạc bộ QC
  3. Triển khai các hoạt động giám sát nội bộ

 

Để hoạt động quản lý chất lượng đạt hiểu quả tốt nhất, trước hết những người quản lý cần có cái nhìn tổng quát về bức tranh tổng thể, sau đó dựa vào nội dung căn bản đó để xây dựng bộ máy quản lý sao cho phù hợp.