Blog Single

Đừng để phải đổ mồ hôi. Hãy tìm kiếm một cách làm nhẹ nhàng hơn.

Hãy suy nghĩ cách làm nhẹ nhàng hơn 

Không ít người hàng ngày vẫn than vãn rằng “Tôi vẫn cố gắng hàng ngày mà tại sao không thể nâng cao được hiệu quả công việc”. Nhưng thật ra có đúng là bạn đã cố gắng như bạn vẫn nghĩ không?

Trong hoạt động Kaizen tại Toyota, nếu bạn có thể biến “chuyển động thành lao động” thì bạn sẽ không cần phải lo lắng nhiều về hiệu quả làm việc của mình. Khi vẫn còn phải than vãn thì bạn nên xem lại “Tại sao lại làm cách này?” “Làm công việc này vì mục đích gì?”, “Có cách nào khác nhẹ nhàng hơn không?”. Nói cách khác, chúng ta phải nhìn vào cách tiến hành từng công đoạn trong công việc thay vì bản thân đã cực khổ thế nào khi làm công việc đó.

Đương thời, ông Ono Taiichi (Phó giám đốc Toyota) vẫn luôn cố gắng giảm thiểu lãng phí ở mức tối đa dựa trên suy nghĩ: “Khi đánh giá cấp dưới, thay vì chỉ tập trung vào hiệu quả công việc nên nhìn xem nhân viên đó có suy nghĩ làm thế nào để công việc trở nên thuận lợi hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng hay không?”. Ngoài ra, ông không tự thỏa mãn với những gì đã đạt được và luôn đặt câu hỏi “Liệu còn phương pháp nào tốt hơn không? Tôi nghĩ chắc chắn là có”. Đó là cách suy nghĩ để ông Ono tìm ra giải pháp tốt hơn.

 Bắt đầu hoạt động Kaizen từ suy nghĩ “Tại sao công việc luôn bận rộn?”

Khi ông Ono cùng xưởng trưởng đi tham quan một công xưởng của Toyota, họ thấy một nhân viên đang rất vất vả để bê một cụm động cơ khá nặng. Khi ấy, xưởng trưởng tiến lại vỗ vai và động viên nhân viên kia “Cố gắng lên nhé”. Ngay lập tức ông Ono đã hỏi xưởng trưởng tại sao người công nhân kia lại phải làm việc đó. Tìm hiểu ra mới biết chiếc xe đẩy bị hỏng và chưa thể sửa ngay được nên người nhân viên kia chỉ còn cách cố gắng bê cụm động cơ lại nơi để quy định. Sau khi nghe điều này ông Ono đã hỏi xưởng trưởng rằng: “Tại sao lại để anh ta làm việc đó, việc bê một vật nặng thế kia không phải công việc của nhân viên. Anh hãy kiểm tra ngay xem còn những người khác đang làm như thế này hay không?”.

Xưởng trưởng vội vã chạy đi hỏi người quản lý cấp dưới. Từ đó ông mới biết rằng còn có 3 chỗ khác nữa con người đang phải làm thay công việc của máy móc do máy bị hỏng. Nghe đến đây ông Ono đã nổi giận và mắng cả hai người quản lý: “Các anh ngày nào cũng có mặt trong xưởng, tại sao lại không nhìn thấy sự vất vả của nhân viên, tại sao không nhìn thấy họ đang phải làm quá sức? Đừng có đến xưởng mà chẳng làm nên trò trống gì. Các anh phải suy nghĩ xem mình phải làm gì để có thể giúp ích cho nhân viên của mình chứ?”.

Nếu nhìn thấy một người nhân viên phải đổ mồ hôi thì hãy tự hỏi tại sao, liệu họ có đang phải làm việc quá sức hay không? Nếu thấy họ đang phải tất bật làm việc hãy tự hỏi tại sao lại thế, liệu cách làm của họ có ổn không?”.

Người cấp trên mà chỉ biết động viên nhân viên của mình “cố gắng lên” thì người này hoàn toàn không có “năng lực tìm ra vấn đề cốt lõi của lãng phí” hay “năng lực Kaizen”.

Trách nhiệm của người cấp trên không phải chỉ động viên nhân viên mà phải suy nghĩ cách tốt nhất sao cho họ không phải vất vả mà vẫn có thể hoàn thành công việc.

Sự nỗ lực của nhân viên không thể hiện ở việc họ đổ mồ hôi, mà là việc đưa ra những thành quả kết tinh từ chính những nỗ lực đó trong công việc. Nên nhớ rằng “chuyển động” vô ích thì cho dù có cố gắng thực hiện cũng không thể mang lại thành quả.

______________________

Tham khảo: Nghệ Thuật Kaizen Tuyệt Vời Của Toyota– NXB Phụ nữ

Chi tiết: https://bit.ly/3jJcWtS

______________________

Xem video kaizen, sản xuất, quản lý chất lượng tại kênh YouTube Blogsanxuat: https://bit.ly/3u61FHO

viVietnamese