Tuần này mình đọc được một câu chuyện thú vị về lý niệm kiểm tra sản phẩm của nguyên phó giám đốc Toyota Shinichi Sasaki nên chia sẻ cùng mọi người.
Đây là câu chuyện kể lại câu chuyện thay đổi nhận thức như thế nào kể từ lúc mới vào công ty cho đến khi hiểu được lý niệm của công việc kiểm tra.
Mình xin được tóm tắt câu chuyện như sau:
Lý niệm kiểm tra chính là xây dựng chất lượng trong từng công đoạn
“Khi vào công ty năm 1962, tất cả nhân viên mới đều được phát một cuốn sách nhỏ được viết bởi phó giám đốc Toyoda Eiji. Trong cuốn sách có ghi một câu như thế này:
“Lý niệm của kiểm tra nằm trong việc không kiểm tra”
Ngày mới vào công ty, tôi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của câu nói này. Không kiểm tra chính là kiểm tra? Chỉ cần làm ra một sản phẩm tốt sẽ không cần phải kiểm tra? Những câu hỏi như thế vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi.
Sau này, tôi mới hiểu ra rằng kiểm tra không chỉ là công việc tìm ra sản phẩm lỗi mà còn là công việc giúp chúng ta suy nghĩ cách làm sao để làm ra một sản phẩm tốt. Có nghĩa là trong quá trình đảm bảo chất lượng, chúng ta cần phối hợp với bộ phận sản xuất để tạo ra một phương pháp sản xuất chỉ làm ra sản phẩm đạt mà không cần phải kiểm tra.”
Đây chính là ý thức cần có của một người sản xuất sản phẩm. Cần hướng tới xây dựng một quá trình chắc chắn chỉ tạo ra sản phẩm tốt đến mức người làm có thể tự tin không cần kiểm tra sản phẩm cũng được hay chất lượng sản phẩm không cần phụ thuộc vào người kiểm tra.
“Để đảm bảo chất lượng một sản phẩm chúng ta có hai cách:
- Dựa hoàn toàn vào việc kiểm tra: Đối với cách làm này, chất lượng sản phẩm sẽ được kiểm tra và phán đoạn đạt hay không đạt bởi bên thứ ba. Trong trường hợp không đạt, người kiểm tra sẽ chỉ thị cho người sản xuất phải sửa lại.
- Tự xây dựng chất lượng trong mỗi công đoạn: Đây là cách làm mà mỗi công đoạn vừa sản xuất, vừa phán đoán sản phẩm có đạt chất lượng hay không để điều chỉnh để nâng cao chất lượng đầu ra.
Nói theo cách khác, cách làm trước thực hiện dựa trên suy nghĩ với tiền đề sẽ phát sinh sản phẩm lỗi, sẽ phát sinh kết quả thiếu chính xác trong quá trình. Còn cách làm sau được thực hiện theo suy nghĩ không tạo ra sản phẩm lỗi, không để phát sinh kết quả thiếu chính xác.
Hệ thống đảm bảo chất lượng của Toyota được vận hành theo cách làm thứ hai.”
Có hai hình thức kiểm tra
Ở trên, ông Sasaki có nhấn mạnh về hệ thống đảm bảo chất lượng của Toyota được xây dựng dựa trên suy nghĩ không phụ thuộc vào hoạt động kiểm tra sản phẩm.
Vậy Toyota có kiểm tra sản phẩm không trong khi mỗi quá trình đều tạo ra sản phẩm đạt chất lượng?
Mình nghĩ là nhiều người sẽ có câu trả lời là “có”.
Dưới đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi ở trên:
“Sau khi lý giải được ý nghĩa của việc kiểm tra, tôi có thể tóm tắt lại như sau. Thực chất có hai hình thức kiểm tra.
Một là hình thức kiểm tra nhằm đảm bảo với khách hàng về chất lượng sản phẩm. (Chúng tôi đã kiểm tra cẩn thận sản phẩm rồi, khách hàng có thể yên tâm sử dụng)
Hai là hình thức kiểm tra bắt buộc (không làm không được) do chất lượng sản phẩm trong quá trình không ổn định.
Từ những ngày đầu thành lập, những người đứng đầu Toyota đã luôn tâm huyết về việc phải bỏ hình thức kiểm tra thứ hai. Hình thức này được thực hiện bởi chúng ta không thể tin tưởng vào chất lượng trong một quá trình.
Việc tìm ra sản phẩm lỗi để sửa chửa là việc không nên làm. Do đó, cần hướng tới xây dựng một quá trình không tạo ra sản phẩm lỗi.”
Vậy câu trả lời đã rõ rồi phải không các bạn? Họ kiểm tra để đảm bảo với khách hàng rằng mọi sản phẩm xuất xưởng đều đạt chất lượng như cam kết chứ không phải kiểm tra để tìm sản phẩm lỗi. Kiểm tra theo hướng tích cực có mục đích chứ không theo hướng tiêu cực.