Bài viết này, blogsanxuat xin giới thiệu tiếp với các bạn về suy nghĩ phát hiện và cách xử lý bất thường (hàng lỗi) phát sinh trong một công đoạn.
Trong một công đoạn, chúng ta thường dùng biểu đồ chất lượng công đoạn để quản lý tổng thể. Trong biểu đồ này, chúng ta biết trong công đoạn sử dụng những loại thiết bị nào, phương pháp gia công ra sao và cần phải quản lý những yếu tố chất lượng nào của sản phẩm. Chỉ khi công đoạn được quản lý theo một tiêu chuẩn cho trước, chúng ta mới có thể phát hiện trạng thái bất thường.
Trạng thái bất thường là gì?
Đầu tiên chúng ta sẽ đi tìm hiểu về trạng thái bất thường trong công đoạn.
Trạng thái bất thường là công đoạn không hoạt động theo đúng quy trình quản lý.
Về căn bản, một công đoạn luôn được tiêu chuẩn hoá trước khi đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, do thay đổi của các yếu tố như con người, máy móc, hay phương pháp khiến vấn đề phát sinh.
Ví dụ, dao bị gẫy trong quá trình gia công. Vật liệu không đạt độ cứng khiến bề mặt gia công không đạt yêu cầu. Hoặc tình trạng sức khoẻ công nhân không tốt làm phát sinh thao tác lỗi.
Làm sao để phát hiện và cách xử lý?
Để phát hiện trạng thái bất thường, việc cần thiết chúng ta phải làm là theo dõi trạng thái trong công đoạn hàng ngày.
Ví dụ, bảng kiểm tra thiết bị hàng ngày giúp chúng ta nắm được tình trạng của máy trước khi vận hành.
Hay trong gia công, chúng ta thường dùng biểu đồ quản lý để theo dõi tình trạng của sản phẩm. Nhờ đó, chúng ta có thể phát hiện trước lỗi có thể xảy ra và đưa ra phương án giải quyết.
Ngoài ra, một công cụ nữa cũng hay được sử dụng trong các công xưởng ở Nhật Bản là bảng báo cáo trạng thái bất thường trong công đoạn.
Bảng báo cáo này bao gồm những nội dung sau:
- Ngày phát hành, bộ phận phát hành, người phụ trách
- Tình trạng phát sinh lỗi (Công đoạn phát sinh, số lần phát sinh, nội dung lỗi…)
- Nguyên nhân
- Phương án giải quyết tức thời
- Phương án tránh tái phát sinh
- Kiểm tra hiểu quả của phương án tránh tái phát sinh
- Tiêu chuẩn liên quan
- Người kiểm tra (nhóm trưởng, tổ trưởng, đội trưởng)
Nhìn vào nội dung trên chúng ta có thể thấy, khi có sự cố phát sinh trong công đoạn, thông thường chúng ta sẽ đưa ra phương án xử lý tức thời để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận phương án để tránh tái phát sinh lỗi (lâu dài) rồi thực hiện và kiểm tra hiệu quả.
Ví dụ, trong một công đoạn gia công cắt gọt sử dụng 3 con dao, nhưng con dao cuối cùng bị gãy khiến sản phẩm không được gia công một bề mặt.
Trong trường hợp này, phương án tức thời sẽ là kiểm tra lại toàn bộ số hàng đã gia công để loại bỏ hàng lỗi, đồng thời thay thế dao để tiếp tục gia công. Phương phát tránh tái phát sinh là lắp cảm biến để xác định trạng thái dao hoặc kiểm tra trạng thái bề mặt, nếu có bất thường máy sẽ tự động dừng. Hoặc chúng ta cũng có thể điều tra độ bền của dao theo số lượng sản phẩm gia công rồi cài đặt chuông báo (theo số lượng gia công) để thay dao trước khi dao bị gãy.
Tóm lại, để quản lý một công đoạn chúng ta cần các tiêu chuẩn (biểu đồ chất lượng công đoạn, tiêu chuẩn thao tác, tiêu chuẩn kiểm tra…). Các tiêu chuẩn này sẽ giúp chúng ta phát hiện trạng thái bất thường trong công đoạn. Khi đã phát hiện được trạng thái bất thường rồi thì đưa ra phương án giải quyết tức thời và phương án tránh tái phát sinh.