Cùng với làn sóng phát triển tại Mỹ, việc triển khai TQM ở Nhật đã gần như trở thành một điều kiện bắt buộc và Toyota cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi đó.
(1) Tiến hóa thành TQM (1995)
Vào những năm 1990, khi tổ chức phát triển lớn hơn và số lượng nhân viên tăng lên cùng với việc mở rộng sản xuất và toàn cầu hóa, cũng là thời điểm hơn 20 năm kể từ khi Giải thưởng Ứng dụng Deming và Giải thưởng Kiểm soát Chất lượng Nhật Bản được trao, khái niệm TQC đang dần dần không còn nhận được sự quan tâm như trước nữa.
Năm 1995, lần đầu tiên số lượng nhân viên ở các chi nhánh nước ngoài của Toyota vượt quá số lượng nhân viên ở Nhật Bản và việc chia sẻ suy nghĩ TQC với nhân viên ở nước ngoài trở nên cần thiết, bởi đó là nơi có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và thậm chí cả lối sống.
Cùng thời điểm này, tại Hoa Kỳ, Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), là phương pháp được hình thành sau khi bổ sung các yếu tố quản lý kiểu phương Tây vào TQC, đang dần được phổ cập tại trong các trường đại học và ứng dụng tại doanh nghiệp.
Do đó, năm 1995, Toyota quyết định thay thế triệt để phương pháp TQC thành TQM và thúc đẩy để phương pháp này được triển khai rộng rãi, với mục đích không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn cả chất lượng công việc và quản lý.
Cụ thể, họ quay trở lại xuất phát điểm kinh doanh lấy con người làm trung tâm: “Con người quyết định sự thăng trầm của một công ty” và “Con người tạo ra vật chất, vì vậy nếu không đào tạo ra con người, thì công việc cũng không được bắt đầu”. Và dựa trên cơ sở TQM là “Hoạt động nâng cao năng lực của con người và tổ chức” và dựa trên lý niệm hành động là ba trụ cột “Khách hàng là số 1”, “Cải tiến liên tục” và “Sự tham gia của tất cả các thành viên” để tạo ra những công cụ hỗ trợ thực hiện hoạt động TQM.
Một trong những công cụ như vậy là MAST (Hệ thống nâng cao chất lượng quản lý do Tập đoàn Toyota phát triển -Management-quality Advancement System developed by Toyota-group), được phát triển để cải thiện chất lượng quản lý nơi làm việc. Từ năm 1999, Tập đoàn Toyota đã sử dụng MAST làm nền tảng cho các hoạt động đào tạo phát triển quản lý và cải tiến quản lý nơi làm việc.
(2) Phát triển các hoạt động của Nhóm G-QC (2004)
Từ đầu thế kỷ 21, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, sự tăng tốc của xu hướng toàn cầu hóa và tăng cường sự kết nối thông qua việc tổ chức lại các công ty tập đoàn. Trong hoàn cảnh như vậy, các hoạt động Nhóm QC (QC Circle) của Toyota cũng cần phải phát triển và mở rộng để đáp ứng nhu cầu của thời đại mà không làm thay đổi bản chất các hoạt động của mình như cải thiện khả năng của từng cá nhân và xây dựng một nơi làm việc tràn sức sống.
Do đó, vào năm 2004, Toyota đã bắt đầu các hoạt động nhằm:
1) Nâng cấp năng lực hoạt động của các Nhóm
2) Đạt mục tiêu tất cả nhân viên toàn cầu đều tham gia
3) Tăng cường hợp tác trong Tập đoàn Toyota.
Khi đó, tên của Hoạt động nhóm QC cũng thay đổi thành Hoạt động Nhóm G-QC (được đặt tên theo ba chữ “G” của Grade up, Global và Toyota-Group).
Năm 2008, “Hướng dẫn thúc đẩy các hoạt động của Nhóm G-QC” được thành lập, trong đó quy định ba hoạt động của Nhóm G-QC và giải nghĩa các chữ G như sau:
1) Là hoạt động có xuất phát điểm (Genten) từ việc mang lại niềm vui cho người tham gia.
2) Là hoạt động được triển khai trên nền tảng suy nghĩ Hiện trường – Hiện vật (Genchi – Genbutsu)
3) Là hoạt động có thể triển khai dễ dàng trong các nhà máy trên khắp thế giới (Global)
Việc triển khai hoạt động Nhóm G-QC toàn cầu nhằm mục đích truyền tải “Lý niệm sản xuất” của Toyota tới mọi nhân viên làm việc ở các nước khác nhau, và mong muốn hoạt động TQM phải được triển khai với tâm thế lấy “con người làm trung tâm”.
Tham khảo: