Trực quan hoá là một công cụ quản lý rất tuyệt vời mà rất nhiều công xưởng tiên tiến tại Nhật Bản đều áp dụng.
Trực quan hoá giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề rõ hơn để giải quyết và giúp chúng ta nhìn thấy lãng phí để loại bỏ.
Loạt bài viết này, blogsanxuat sẽ giới thiệu với mọi người về các phương pháp trực quan hoá thường được áp dụng trong hoạt động quản lý chất lượng.
Đầu tiên, chúng ta cần nhìn lại một chút về căn bản trong quản lý chất lượng.
Căn bản về quản lý chất lượng
Hoạt động quản lý chất lượng được vận hành theo 3 suy nghĩ căn bản sau:
- Không tạo ra (Không gây phát sinh) sản phẩm lỗi.
- Không đưa (không để lưu xuất)sản phẩm lỗi tới công đoạn sau.
- Nếu không may để phát sinh sản phẩm lỗi, cần phát hiện và xử lý tại chỗ.
Để thực hiện được những nguyên tắc trên, chúng ta cần trực quan hoá sản phẩm lỗi theo 2 cách sau:
- Đối với sản phẩm lỗi phát sinh: Sử dụng hộp đỏ (hoặc quy định nơi đặt sản phẩm lỗi), Thẻ sản phẩm lỗi (NG), Lưu trữ dữ liệu lỗi phát sinh trong công đoạn, hoặc báo cáo hàng ngày… để trực quan hoá.
Tại công xưởng nơi mình làm việc, mỗi công đoạn đều có đặt một chiếc hộp đỏ để nhân viên bỏ ngay sản phẩm lỗi vào khi phát hiện và một khu vực riêng để tập hợp toàn bộ hàng lỗi phát sinh trong toàn công xưởng trong một ngày. Quy định này giúp giảm nguy cơ nhân viên sẽ sử dụng nhầm hàng lỗi.
- Đối với sản phẩm lỗi đã lưu xuất: Cần trực quan hoá ngay cả phàn nàn từ khách hàng
Quản lý sản phẩm lỗi
Quản lý sản phẩm lỗi nghe có vẻ đơn giản mà không đơn giản.
Không biết các bạn đã gặp trường hợp nhân viên sử dụng nhầm chi tiết lỗi để lắp ráp sản phẩm chưa? Kết quả là phải sửa chữa vô cùng tốn kém.
Thông thường, sản phẩm lỗi sẽ được quản lý theo những nguyên tắc dưới đây:
1 – Đánh giá mức độ lỗi
2 – Phân loại sản phẩm lỗi
3 – Biểu thị sản phẩm lỗi và cách ly
4 – Báo cáo cho các bộ phận liên quan trong công ty
5- Quyết định phương pháp xử lý sản phẩm lỗi
- Đối với sản phẩm có thể sửa tay: Có thể sửa chữa sao cho đạt yêu cầu về chất lượng
- Đối với sản phẩm được đặc cách sử dụng: Có thể sửa hoặc không cần sửa vẫn được đặc cách sử dụng. Thường đây là những chi tiết không đạt chất lượng yêu cầu nhưng không gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm cuối.
- Đối với sản phẩm có thể sửa quy cách: Ví dụ mở rộng khoảng dung sai để thành sản phẩm đạt hoặc chỉ sử dụng cho một số sản phẩm đặc biệt.
- Đối với sản phẩm lỗi: Tiêu huỷ.
6 – Xử lý sản phẩm lỗi: Sau khi đã xác định được sản phẩm lỗi thuộc nhóm nào trong 4 nhóm trên, chúng ta sẽ tiến hành xử lý hoặc sửa chữa.
7 – Truy tìm nguyên nhân cốt lõi phát sinh sản phẩm lỗi.
8 – Thực hiện phương án kaizen
9 – Đánh giá hiệu quả kaizen
10 – Lên kế hoạch triển khai theo hàng ngang: Thông báo và triển khai phương án kaizen cho những bộ phận có khả năng xảy ra lỗi tương tự.
Trên đây chính là 10 bước để xử lý sản phẩm lỗi mà hầu như nhân viên QC nào cũng đang thực hiện. Không biết bạn đã thực hiện đầy đủ những bước trên chưa? Nếu chưa thì xem mình còn thiếu bước nào không nhé.
Ngoài ra, nếu phải sửa chữa sản phẩm lỗi, chúng ta cần lưu ý những điều dưới đây:
- Khi sửa sản phẩm cần tuân theo chỉ thị của người quản lý
- Cần xây dựng bảng hướng dẫn tuần tự sửa chữa rồi mới thực hiện
- Nếu sửa chữa liên quan đến kích thước, cần nhận được sự đồng ý của nhân viên kiểm tra và người đứng đầu bộ phận kiểm tra
- Sau khi sửa xong, phải kiểm tra sản phẩm đầu tiên