Nếu vừa ôm vấn đề vừa tiến hành công việc, chắc chắn sẽ gây ra ảnh hướng xấu ở đâu đó. Hãy dũng cảm dừng công việc để giải quyết cho xong vấn đề đang gặp phải.
Môt trong những thói quen được thực hiện triệt để tại Toyota là thói quen “kéo dây”.
Trong dây chuyền sản xuất, có một hệ thống đèn báo hiệu phát sinh bất thường trên thiết bị hiển thị gọi là “andon”. Trong phạm vi hoạt động của người công nhân, hệ thống này được thay bằng một sợi dây kéo, hay còn gọi là dây kéo andon. Khi có bất thường nào đó phát sinh, người nhân công kéo sợi dây đó để thông báo có bất thường và toàn bộ dây chuyền sản xuất sẽ dừng lại.
Khi sợi dây andon được kéo, người đầu tiên xử lý sẽ là quản lý công xưởng. Trường hợp để giải quyết vấn đề đó bắt buộc tốn nhiều thời gian thì những người có liên quan ở các bộ phận khác nhau sẽ tập trung lại.
Ví dụ, nếu là vấn đề thiết kế của khuôn, tất cả những người có liên quan như quản lý, giám sát, kỹ sư thiết kế khuôn, người công nhân sẽ cùng vây quanh chiếc khuôn gây ra vấn đề, rồi cùng tìm hiểu nguyên nhân tại sao xảy ra vấn đề. Tất cả bắt đầu cùng nhau thảo luận: “làm như thế này thì sao?”, “làm như thế này có thể sẽ tốt hơn”… Sau khi đã giải quyết được vấn đề, dây chuyền sẽ được vận hành trở lại.
Tại Toyota, “khi có bất thường phát sinh, máy móc hay dây chuyền sẽ tự động được cho dừng lại“, và hệ thống này được gọi là “tự (lao) động hoá”.
Chuyên gia đào tạo Kenji Nakagami, người từng đảm nhiệm bộ phận bảo trì, bảo dưỡng tại Toyota kể về “tầm quan trọng của việc dừng dây chuyền”.
“Nhân viên bảo trì, bảo dưỡng là người đầu tiên tới hiện trường nơi phát sinh vấn đề xem xét khi dây chuyền sản xuất bị dừng do có sự cố phát sinh. Họ đảm bảo giữ nguyên hiện trường như trong phim hình sự, vì nếu khi xảy ra vấn đề mà vẫn tiếp tục vận hành dây chuyền thì sẽ không tìm ra được nguyên nhân làm phát sinh vấn đề. Trên hiện trường sẽ lưu lại những dấu vết của nguyên nhân gây ra vấn đề hay gợi ý để giải quyết vấn đề.”
Điểm mấu chốt ở đây là nếu kéo dây và dừng dây chuyền sản xuất lại, có thể thu hẹp được phạm vi của nguyên nhân vấn đề nằm ở đâu.
Vấn đề phát sinh tại thời điểm hiện tại, có nghĩa là nguyên nhân làm phát sinh vấn đề nằm ở các công đoạn từ trước đó. Nếu tìm ra vấn đề sau khi vấn đề đã lọt tới công đoạn cuối cùng, thì bắt buộc chúng ta phải kiểm tra lại toàn bộ các công đoạn và tìm kiếm nguyên nhân làm phát sinh vấn đề. Trong trường hợp này thời gian và công sức cần bỏ ra là rất lớn.
Nếu ngay khi phát sinh vấn đề và cho dừng toàn bộ dây chuyền lại, có thể ước đoán được “nguyên nhân vấn đề nằm ở giữa công đoạn A và công đoạn B”, từ đó có thể xử lý vấn đề hiệu quả hơn.
______________________
Tham khảo: Thói quen của Toyota – Nghệ thuật nâng cao năng suất công việc– NXB Phụ nữ/ Nhóm dịch NOMUDAS
Chi tiết: https://bit.ly/37dV7fZ
______________________
Xem video kaizen, sản xuất, quản lý chất lượng tại kênh YouTube Blogsanxuat: https://www.youtube.com/channel/UCUpd5CWMQnJJKv71BX8kFPg