Trong bài viết này blogsanxuat sẽ giới thiệu với các bạn về khái quát vòng đời của một sản phẩm và giới thiệu về vai trò của bộ phận quản lý chất lượng trong từng giai đoạn phát triển sản phẩm. Đồng thời, bộ phận quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các bộ phận khác như thế nào.
Thông qua bài viết này, mình hi vọng các bạn sẽ nắm bắt được công việc hiện tại của mình đang nằm ở đâu và nắm vai trò như thế nào.
Hệ thống đảm bảo chất lượng trong công ty Nhật
Thường thì mỗi công ty sẽ tự xây dựng riêng cho mình một hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp với đặc thù sản phẩm sản xuất.
Mô hình mình giới thiệu dưới đây là một mô hình điển hình, mang tính tổng quát. Các bạn thử so sánh xem công ty mình đang làm có điểm nào tương đồng và khác biệt nhé.
Nhìn vào hình trên chúng ta có thể thấy bộ phận chất lượng tham gia vào hầu như gần hết các công đoạn trong vòng đời sản phẩm.
Từ khâu lên kế hoạch cho sản phẩm mới, với những thông tin thu được từ thị trường như phàn nàn của khách hàng, lời khen ngợi của khách hàng cũng như thông tin về sản phẩm lỗi xảy ra, bộ phận quản lý chất lượng sẽ phân tích và đưa ra lời khuyên dành cho sản phẩm tiếp theo.
Đến khâu thiết kế, bộ phận quản lý chất lượng cũng đóng vai trò là người quan sát, cùng đánh giá thiết kế để quyết định cho đi vào sản xuất thử hay không.
Và quan trọng nhất sẽ là khâu thử sản xuất hàng loạt. Đây là chốt chặn cuối cùng trước khi sản phẩm được sản xuất hàng loại. Mọi lỗi nhỏ nhất phải được phát hiện và xử lý hết ở đâu này. Nếu không đạt yêu cầu sẽ phải thử thêm lần nữa. Tại công ty mình làm việc, thông thường quá trình thử này được thực hiện 2 đến 3 lần để khắc phục hết lỗi sản phẩm và lỗi trong dây chuyền. Nếu không tìm hết lỗi và vấn đề để xử lý ở khâu này mà đưa sản phẩm vào sản xuất hàng loạt thì khi vấn đề xảy ra sẽ không chỉ gây phiền hà cho khách hàng mà còn gây thiệt hại rất lớn về chi phí khắc phục.
Đến khi sản phẩm được sản xuất hàng loạt, quản lý chất lượng tiếp tục theo dõi và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất. Nhiệm vụ của giai đoạn này là không để sản phẩm lỗi lọt đến công đoạn sau hoặc tới tay khách hàng.
Và khâu cuối cùng bộ phận quản lý chất lượng đảm nhận đó là nhận phản hồi từ khách hàng và phân tích đánh giá sản phẩm lỗi để phản hồi cho công xưởng hoặc cho thế hệ sản phẩm tiếp theo.