#1 Các phương thức sản xuất căn bản

Trong lĩnh vực sản xuất có rất nhiều các phương thức sản xuất khác nhau. Trong bài biết này, Blogsanxuat sẽ giới thiệu với các bạn một số phương thức căn bản mà chúng ta thường gặp.

Dù là phương thức sản xuất nào đi chăng nữa, thì [su_highlight background=”#DDFF99″ color=”#000000″ class=””]mục đích cuối cùng đều hướng tới giảm được chi phí, giảm tồn kho và giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất.[/su_highlight]

Sản xuất dự đoán: Thích hợp với những sản phẩm mất nhiều thời gian sản xuất

Trong lĩnh vực sản xuất, về lý tưởng, khi khách hàng mong muốn một sản phẩm, chúng ta sẽ sản xuất ngay và bán cho họ. Là một người mua hàng, chúng ta thường không muốn chờ đợi. Tôi và bạn đều hiểu cảm giác này đúng không?

Tuy nhiên, thông thường thời gian sản xuất một sản phẩm lúc nào cũng lớn hơn thời gian mà khách hàng có thể đợi để mua sản phẩm đó.

Do đó, nhà sản xuất phải tự dự đoán trước nhu cầu của khách hàng, sản xuất rồi giao ngay cho khách hàng khi họ muốn. Đây chính là phương thức sản xuất dự đoán (Make to Stock).

Đây là một phương thức sản xuất khá thông dụng. Tất cả những sản phẩm đang xếp trên kệ tại các cửa hàng đều được sản xuất theo phương thức này.

Từ chiếc tăm nhỏ bé, đến chiếc điện thoại hay chiếc tivi chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày.

Đối với sản xuất dự đoán, việc luôn có tồn kho sản phẩm là điều đương nhiên. Người quản lý sản xuất cần dự đoán được nhu cầu của khách hàng để lên kế hoạch sản xuất sao cho không để tồn kho quá lớn cũng không để tình trạng hết hàng.

Do phải sản xuất trước khi bán nên phương thức luôn có rủi ro trong đó. Rủi ro lớn nhất là trong trường hợp chúng ta không bán được hàng. Ngược lại, nếu sản phẩm được bán tốt trên thị trường thì phương thức này lại mang lại một ưu điểm là chúng ta có thể tiết kiệm chi phí sản xuất do có thể sản xuất hàng loạt.

Sản xuất theo đơn hàng thiết kế riêng: Sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

Ngược với sản xuất dự đoán, có một phương thức sẽ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Phương thức này gọi là sản xuất theo đơn hàng thiết kế riêng (Engineering to Order).

Với phương thức này, trước khi sản xuất, chúng ta sẽ thống nhất kích thước, tính năng của sản phẩm với khách hàng. Sau đó mới thiết kế, mua nguyên vật liệu và tiến hành sản xuất.

Chính vì phải trải qua rất nhiều khâu như trên nên thời gian sản xuất (Lead time: thời gian tính từ lúc thiết kế tới khi hoàn thành sản phẩm giao cho khách hàng) thường rất dài.

Đương nhiên, cũng vì thời gian sản xuất dài nên thời gian giao hàng cũng khá lâu. Phương thức sản xuất này thường áp dụng với các sản phẩm có giá trị cao.

Ví dụ, ở Nhật Bản ô tô chỉ được sản xuất khi có đơn hàng từ khách hàng. Hay ngôi nhà chúng ta ở cũng thường được xây sau khi đã thống nhất về thiết kế và giá cả. Trong trường hợp nhà chung cư thì lại được xây theo phương thức sản xuất dự đoán, các công ty Bất động sản sẽ xây trước rồi bán sau.

Các phương thức sản xuất khác

  • Sản xuất lắp ráp theo đơn hàng (Assemble to Order):

Phương thức này chỉ thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng theo đơn hàng. Đối với chi tiết, cụm chi tiết dùng trong lắp ráp thành phẩm sẽ được dự đoán và sản xuất trước.

Ví dụ: chúng ta sẽ sản xuất sẵn khung và bánh xe. Khi đơn hàng vào sẽ rắp và giao hàng ngay. Cách này giúp chúng ta rút ngắn được thời gian giao hàng.

  • Sản xuất theo đơn hàng (Build to Order):

Là phương thức sản xuất sau khi nhận đơn hàng từ khách hàng mới bắt đầu mua chi tiết. nguyên vật liệu về lắp ráp thành sản phẩm. Phương thức này không bắt đầu từ bước thiết kế. Sản phẩm đã được thiết kế sẵn chỉ chờ đơn hàng là sản xuất.

Điểm tách nối (Decoupling Point)

Điểm tách nối chính là phương pháp suy nghĩ trên cơ sở “Đối với một đơn hàng, sản phẩm sẽ lưu kho ở thời điểm nào hay trạng thái nào”.

Điểm tách nối là điểm xác định hình thái (thời điểm, trạng thái) giao sản phẩm cho khách hàng.

Trong sản xuất dự đoán, thì điểm tách nối sẽ nằm ở trạng thái “thành phẩm” (đã lưu sẵn trong kho). Tức là chúng ta luôn sẵn sàng giao ngay cho khách hàng khi họ có nhu cầu.

Ngược lại, đối phương thức sản xuất theo đơn hàng thiết kế riêng thì điểm tách nối sẽ nằm ở “giai đoạn thiết kế”. Đây là giai đoạn mà khách hàng đã quyết định toàn bộ tính năng cũng như thiết kế của sản phẩm, tức là đã quyết định trạng thái sản phẩm sau sản xuất.

Các bạn có thể tham khảo hình dưới để thấy điểm tách nối khác nhau giữa các phương thức sản xuất.

Vị trí điểm tách nối trong từng phương thức sản xuất riêng biệt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *