Hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm mới có lẽ sẽ là câu chuyện khá xa lạ với những bạn làm QC trong công xưởng tại Việt Nam.
Đặc biệt với công ty Nhật, bộ phận phát triển sản phẩm mới thường nằm ở nước bản địa nên chúng ta ít có cơ hội tiếp xúc và có cái nhìn toàn thể về hệ thống đảm bảo chất lượng của một sản phẩm mới.
Ở bài viết trước mình đã giới thiệu về hệ thống này rồi, và bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu cách vận hành căn bản của hệ thống trong một công ty sản xuất.
Hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm mới sẽ bắt đầu với công việc chỉ định người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng cho sản phẩm.
Tuỳ vào trạng thái sản phẩm (mới hoàn toàn hay thế hệ kế tiếp) thì người chịu trách nhiệm cao nhất sẽ thay đổi. Bảng dưới đây sẽ cách phân chia vai trò của người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng sản phẩm trong một công ty sản xuất lớn. Thông thường đối với sản phẩm mới thì người chịu trách nhiệm cao nhất (người đưa ra quyết định cuối cùng sản phẩm có được đưa ra thị trường hay không) sẽ là giám đốc, phó giám đốc hoặc trưởng phòng chất lượng.
Vai trò này sẽ khác nhau phụ thuộc vào quy mô của công ty. Ví dụ công ty nhỏ thì giám đốc sẽ là người quyết định cuối cùng, còn công ty lớn thì trưởng phòng chất lượng có thể đã đủ thẩm quyền quyết định.
Sau khi quyết định người chịu trách nhiệm cao nhất, chúng ta sẽ tiến hành đánh giá thiết kế lần đầu và đánh giá chất lượng lần đầu cho bản kế hoạch. Sau buổi đánh giá, nếu mọi người đều đồng ý thì sản phẩm mới bắt đầu tiến sang khâu thiết kế. Việc này giúp chúng ta giảm thiểu được rủi ro và loại bỏ vấn đề trước khi bước vào thiết kế sản phẩm.
Sau khi sản phẩm được thiết kế và kết thúc giai đoạn chế tạo thử, chúng ta sẽ tiến hành buổi đánh giá thiết kế lần 2. Đồng thời, buổi họp đánh giá chất lượng cũng được tiến hành. Buổi họp này sẽ quyết định khả năng sản phẩm có được đưa vào sản xuất hàng loạt hay không.
Với sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa đi sản xuất hàng loạt thử và đánh giá. Giai đoạn này sẽ được tiến hành song song với buổi đánh giá thiết kế và đánh giá chất lượng lần 3. Đây sẽ là buổi họp quyết định sản phẩm có được đưa ra thị trường hay không.
Sau khi vấn đề được giải quyết, sản phẩm mới bước sang giai đầu sản xuất thử. Thêm một buổi đánh giá chất lượng cuối cùng sẽ được tổ chức. Nếu đã giải quyết được toàn bộ vấn đề thì sản phẩm sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Đồng thời, vai trò của người chịu trách nhiệm cao nhất sẽ tạm dừng ở đây và chuyển giao lại cho công xưởng sản xuất.
Để một sản phẩm được đưa ra thị trường thì công ty của Nhật cần tổ chức tới 4 cuộc họp đánh giá về cả thiết kế và chất lượng. Điều này đảm bảo cho sản phẩm được sản xuất đúng với thiết kế. Đây cũng là lý do vì sao sản phẩm của các công ty Nhật Bản luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng rất cao.
Mình hi vọng, bài viết sẽ cho các bạn một cái nhìn tổng quan hơn về hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm mới trong một công ty sản xuất.
Các bạn thử so sánh với hệ thống chất lượng công ty nơi mình làm việc nhé.