Những công ty có hệ thống quản lý chất lượng tốt là những công ty như thế nào. Đó là những công ty ít tạo ra sản phẩm lỗi? Đó là những công ty không phát sinh than phiền khách hàng? Tỉ lệ lỗi thấp, ít bị than phiền là chỉ là “kết quả” của việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện. Để thực hiện tốt quản lý chất lượng, chúng ta sẽ có 7 yếu tố chính như sau :
Yếu tố 1. Tầm nhìn của lãnh đạo đối với vấn đề chất lượng
Đối với vấn chất lượng, ban lãnh đạo cần có tầm nhìn xa, đầu tư nguồn lực để xây dựng cũng như vận hành hệ thống. Chất lượng là yếu tố tiên quyết để phát triển công ty lâu dài. Hiện tại có rất nhiều công ty chỉ quan tâm về giá thành và sản lượng mà bỏ qua chất lượng. Những công ty này không biết được rằng, giải quyết vấn đề quản lý chất lượng sẽ là tiền đề để hạ giá thành, nâng cao năng suất đồng thời cũng mang lại niềm tin lớn của khách hàng. Ban lãnh đạo có tầm nhìn về chất lượng là ban lãnh đạo hiểu được vấn đề trên để chèo lái công ty.
・Xây dựng hệ thống QMS
・Xây dựng văn hóa, tinh thần coi trọng chất lượng
・Xây dựng các hoạt động Kaizen, giải quyết vấn đề hàng ngày
Yếu tố 2. Hiểu đúng về kiểm soát chất lượng, thiết lập các mục tiêu cho công ty
Khi làm về chất lượng, chúng ta phải hiểu chúng ta làm vì điều gì, mục tiêu của chúng ta ra sao, kế hoạch như thế nào. Các công ty có hệ thống quản lý chất lượng đều làm rất tốt các điều này. Họ thiết lập mục tiêu chất lượng cho toàn công ty, dựa theo mục tiêu đó các bộ phận liên quan tự đưa ra mục tiêu, chiến lược chiến thuật để thực hiện. Các nhân viên trong từng bộ phận sẽ dựa theo mục tiêu bộ phận để đưa ra mục tiêu cá nhân. Điều này nghĩa là các vấn đề chất lượng sẽ được triển khai trong toàn bộ công ty.
・Hiểu rõ về mục đích của kiểm soát chất lượng
・Mục tiêu chất lượng hướng tới
・Lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu
Yếu tố 3. Biết cách giải quyết vấn đề phát sinh
Khi phát sinh vấn đề phải biết dựa theo chủ nghĩa tam hiện nhị nguyên (Hiện trường, hiện vật, hiện thực, nguyên lý, nguyên tắc) để giải quyết. Dựa vào đó, phân tích nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Phương pháp điều tra và đánh giá vấn đề cần được đào tạo một cách bài bản. Khi điều tra và đánh giá vấn đề thì cần sự hợp tác của tất cả các bộ phận liên quan.
・Nâng cao khả năng điều tra và đánh giá vấn đề (nguyên nhân phát sinh và lưu xuất)
・Biết cách đưa ra các biện pháp khắc phục phòng ngừa
・Sự hợp tác của bộ phận liên quan
Yếu tố 4. Thiết kế công đoạn
Trước khi bước vào sản xuất, chúng ta cần xây dựng dòng chảy công việc, thiết lập layout, hướng dẫn, tiêu chuẩn liên quan… Đồng thời, xác nhận FMEA và Kakotora để tránh những rủi ro xảy ra hay lỗi trong quá khứ lặp lại.
・Thiết kế QC-Flowchat
・Xác nhận FMEA
・Thiết lập Layout
・Xác nhận Kakotora
Yếu tố 5. Quản lý thay đổi 4M
4M là yếu tố cấu tạo nên công đoạn. Quản lý công đoạn chính là quản lý 4M. Sự thay đổi liên quan đến 4M sẽ làm cho công đoạn bị biến động. Chúng ta cần quản lý sự biến động này sao cho ít ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm
・ Quản lý thời kỳ đầu
・ Quản lý đặc biệt
・ Quản lý vật tư, máy móc thiết bị, con người, phương pháp
Yếu tố 6. Trực quan hóa
Trực quan hóa thông tin trong nhà máy sẽ giúp cho tất cả các nhân viên nắm bắt được thông tin. Khi làm việc chúng ta phải biết chúng ta đang làm được đến đâu, kết quả ra sao, tình hình chất lượng của nhà máy như thế nào. Trực quan hóa đóng vai trò nâng cao nhận thức vấn đề là tiền đề để kích thích hành động.
・Mục tiêu chất lượng và thành tích qua từng tháng (Số vụ than phiền, tỉ lệ lỗi…)
・Mục tiêu môi trường, an toàn lao động
・Kết quả tất cả các hoạt động Kaizen
・Biểu đồ kiểm soát chất lượng
・Kết quả thay đổi 4M
Yếu tố 7. Kaizen không ngừng
Còn thở là còn Kaizen, văn hóa Kaizen phải đi vào mạch máu. Tinh thần Kaizen không ngừng chính là chìa khóa thành công của mọi công ty không chỉ là các công ty sản xuất. Tinh thần đó được triển khai từ các cấp lãnh đạo đến từng bộ phận, nhân viên. Khi tư tưởng Kaizen được triển khai đồng bộ thì chất lượng sẽ được đi lên, đó là bí quyết.
・Kaien không ngừng
・Kaizen mọi nơi
・Kaizen mọi lúc
・Kaizen ngay cả trong tiềm thức, não bộ