Sau khi lên xong kế hoạch dài hạn, chúng ta sẽ lấy đó làm cơ sở cho kế hoạch trung hạn.
Kế hoạch trung hạn thường được lên theo đơn vị tuần. Đương nhiên, kế hoạch này cũng được xem xét và điều chỉnh hàng tuần. Vì thế nó mang tính linh hoạt hơn kế hoạch dài hạn.
Kế hoạch trung hạn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của một doanh nghiệp
Qua rồi cái thời sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cái thời chỉ cần lên kế hoạch cả tháng rồi ung dung thực hiện.
Ngày nay, xã hội thay đổi, năng lực sản xuất của các nước ngày càng đồng đều hơn. Đặc biệt, vòng đời của một sản phẩm đã ngắn lại rõ rệt.
Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp cần có đối sách kịp thời để thích nghi. Và việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo đơn vị tuần chính là chìa khoá để giải quyết vấn đề này.
Ví dụ, khi chúng ta lên kế hoạch sản xuất cho tháng 4 là 4000 sản phẩm (tương đương với 1000 sản phẩm/tuần). Hết tuần đầu tiên trong tháng, nếu chỉ tiêu thụ được 500 sản phẩm thì việc điều chỉnh ngay lập tức kế hoạch tuần tiếp theo là rất quan trọng. Nếu cứ sản xuất theo kế hoạch, đến cuối tuần thứ hai lượng tồn kho sẽ lên tới hàng ngàn sản phẩm. Vì thế, trong trường hợp này, cần phải nhanh chóng giảm sản lượng để giảm lượng tồn kho, dừng dây chuyền sản xuất, điều chuyển nhân viên sang bộ phận khác và dừng việc nhập nguyên vật liệu quá mức cần thiết.
Ngược lại, tình hình bán hàng thuận lợi, hết tuần đầu tiên chúng ta đã bán được hơn 1000 sản phẩm. Nếu cứ tiếp tục sản xuất theo kế hoạch tháng ban đầu, sang tuần tiếp theo chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu hàng. Vì thế việc điều chỉnh để tăng sản lượng ngay đầu tuần thứ hai sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao doanh thu cho công ty.
Từ ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng, kế hoạch dài hạn dù rất quan trọng nhưng vẫn cần điều chỉnh sớm để phù hợp với tình hình thực tế.
Nếu có thể chúng ta chỉ sản xuất sản phẩm cần thiết, với số lượng cần thiết ở thời điểm cần thiết.
Quản lý sản xuất chính là thủ lĩnh để điều chỉnh kế hoạch
Trong quá trình thực hiện kế hoạch trung hạn, sẽ có rất nhiều vấn đề sẽ xảy ra giữa các bộ phận.
Ví dụ khi tình hình kinh doanh thuận lợi, bộ phận kinh doanh sẽ liên tục yêu cầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi đó, bộ phận quản lý sản xuất sẽ đóng vai trò thủ lĩnh để quyết định nên ưu tiên sản xuất sản phẩm nào với số lượng bao nhiêu với những điều kiện có sẵn.
Ngoài ra, quản lý sản xuất sẽ đứng giữa để phối hợp với bộ phận kinh doanh và bộ phận cung ứng để hoạt động sản xuất không bị rối loạn. Bởi muốn tăng sản lượng một sản phẩm nào đó để đáp ứng nhu cầu của bộ phận kinh doanh thì cần phải thảo luận với bộ phận cung ứng xem có nhận đủ chi tiết để sản xuất sản phẩm đó hay không.
Trong trường hợp này, quản lý sản xuất không chỉ đóng vai trò làm vừa lòng khách hàng, mang lại lợi ích cho công ty mà còn cần phải duy trì hệ thống sản xuất vẫn đảm bảo sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về cả QCD.