Blog Single

Tại sao người Nhật có tính kỉ luật cao, còn chúng ta thì chưa?

Trong bài viết này, mình sẽ đề cập tới một vấn đề nhạy cảm và mình nghĩ sẽ có nhiều ý kiến trái chiều đó là “tính kỷ luật trong công việc của người Nhật và người Việt Nam”.

Mời các bạn cùng theo dõi và cùng thảo luận.

https://youtu.be/GImlC8MCN0o

Dù không phải tất cả người Nhật đều có tính kỷ luật cao, cũng không phải tất cả người Việt đều vô kỉ luật. Nhưng xét về mặt bằng chung trong suốt thời gian sống làm việc tại Nhật thì mình cũng phải công nhận rằng người Nhật có tính kỉ luật cao.

Bạn cứ ra ngoài đường hay vào siêu thị thì rõ. Tất cả mọi người đều xếp hàng đợi đến lượt mình mà không có hiện tượng chen lấn xô đẩy. Còn vào trong công xưởng thì mọi thứ cứ răm rắp như đã được lập trình từ trước, tất nhiên không phải 100% nhé các bạn.

Đây là một số hình ảnh hàng người Nhật xếp hàng đợi ở cửa hàng, đợi ở ga tàu, và đợi trước những quán ăn ngon.

Nói đến đây không phải để khen người Nhật và chê người Việt, các bạn cứ bình tĩnh và theo dõi tiếp nhé. Mục đích của video này là thảo luận tại sao người Nhật lại có thể sống kỉ luật như vậy và chúng ta có học hỏi được gì không?

Mình sang Nhật ngoài cái duyên cũng là vì sự ngưỡng mộ với những thương hiệu nổi tiếng thời trước như Honda và Sony. Chiếc xe Supercup mà bố mình mua năm 1997 với giá 30 triệu, tương đương với một ngôi nhà ngày đó là một ấn tượng khó quên với mình. Bố mình thường phải đi công trình và chạy đường dài với chiếc xe này. Dùng gần 20 năm nó vẫn chạy ổn dù có xuống cấp, sau đó còn bán được cho người họ hàng để đi thồ lúa ở quê. Ấn tượng này cũng chính là yếu tố thôi thúc mình sang Nhật khi có cơ hội.

Quay lại với câu chuyện chúng ta đang thảo luận, hồi mới được vào công xưởng Nhật mình cũng rất háo hức để kiểm chứng điều này. Và kết quả đúng như mình được nghe, những người công nhân Nhật làm việc hết sức nghiêm túc, tốc độ để đạt được yêu cầu đề ra về số lượng.

Khi đó, mình đã nghĩ chắc là do người Nhật sinh ra đã có ý thức tốt như vậy rồi.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, khi mình bất ngờ có cơ hội quản lý một dây chuyền toàn nhân viên người Việt trên đất Nhật. Khác với tưởng tượng của mình, những người nhân viên này cũng làm việc hết sức nghiêm túc và tạo được thành quả tương đương với nhân viên người Nhật về số lượng. Tất nhiên, đi kèm đó vẫn còn những tật xấu như vừa làm vừa nói chuyện hay không tập trung… Đây chính là thời điểm mình bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về lý do tại sao lại có những người nhân viên tuân thủ kỉ luật, và những người không tuân thủ. Bởi những người nhân viên Việt Nam vẫn tuân thủ kỉ luật khi làm việc trên đất Nhật, khác hoàn toàn với những gì mình nghe nói trước đó.

Sau này mình chỉ thực sự có câu trả lời trong một tình huống trao đổi với bác xưởng trưởng người Nhật.

Chuyện là như thế này. Hôm đó, có một dây chuyền bị thiếu linh kiện không thể hoạt động nên toàn bộ 20 nhân viên ở dây chuyền đó được phân công sang các bộ phận để phụ giúp công việc. Mình được giao cùng 4 nhân viên đi tiêu huỷ những chi tiết cũ hết hạn sử dụng.

Khác với công việc quen thuộc hàng ngày với quy trình đã được quyết định giúp những người công nhân quen thuộc đến mức không cần nghĩ cũng làm được. Công việc hôm nay chẳng có quy trình gì cả, chỉ đơn thuần là lấy chi tiết trong kho ra và vứt vào thùng nguyên liệu tái chế.

Do công việc bận rộn nên mình cũng chỉ hướng dẫn họ rồi đi giải quyết công việc riêng của mình. Một lát sau thì xưởng trưởng gọi lại và hỏi.

  • Tại sao cậu không ở đây mà để họ làm việc tự do như thế? Câu có biết họ vừa làm vừa nói chuyện, rồi thùng dưới đã đầy và họ đang phải với để vứt chi tiết lên thùng phía trên, với làm như thế này thì bao giờ mới xong? Cậu có biết như thế này là lãng phí thời gian không? Tại sao cậu không quản lý và hướng dẫn họ?

Từ trước đến giờ, mình cứ tin họ là những người kỉ luật và chỉ cần giao việc là xong. Nhưng mình đã nhầm, chỉ một phần trong số họ làm việc nhiệt tình như khi họ làm trong dây chuyền. Số đông sẽ làm việc không tập trung và không hiệu quả. Điều mình bất ngờ là họ thể hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với chính họ khi ở trong dây chuyền.

Vậy khác biệt ở đâu?

Và mình đã nhận ra rằng khác biệt nằm ở chỗ, trong dây chuyền mọi thứ đã được quyết định và mọi người phải tuân thủ điều đó. Nhưng trong một môi trường tự do, không quy định, không quy tắc, con người sẽ làm việc theo bản tính.

Tức là người Nhật tuân thủ kỉ luật bởi mọi thứ đã được quy định rõ ràng, chi tiết đến mức không thể không tuân theo.

Hãy thử ngẫm nghĩ lại trong dây chuyền, trước khi lắp sản phẩm thì phải kiểm tra danh sách chi tiết sử dụng, kiểm tra thiết bị. Tất cả đều thực hiện theo những đề mục có sẵn. Rồi lắp ráp sản phẩm cũng phải theo Bảng tiêu chuẩn thao tác, khi hoàn thành rồi kiểm tra theo Bảng chỉ đạo kiểm tra. Mọi thứ đã quá rõ ràng, nếu bạn không tuân thủ, tức là bạn đang chống đối lại tất cả quy định trong công ty, đương nhiên bạn sẽ bị đào thải.

Trên những ga tàu điện ở Nhật cũng vậy, bạn sẽ thấy những đường kẻ để hướng dẫn mọi người xếp hàng chờ tàu. Người đến trước đứng trước và người đến sau đứng sau theo đúng cái vạch đó. Nhờ cái vạch đó mà người nào chen ngang sẽ bị phát hiện ngay, và bị mọi người xem như người ngoài hành tinh. Ranh giới giữa đúng và sai quá rõ ràng khiến bạn không thể không tuân thủ, không thể làm trái.

Như vậy, theo mình lý do lớn nhất khiến người Nhật được mệnh danh là có tính kỉ luật tốt chính là do họ đã xây dựng được những quy tắc, quy định để mọi người tuân theo và xây dựng được một môi trường hay hệ thống khiến con người không thể không tuân theo những quy tắc đó.

Quay lại với người Việt, theo mình chúng ta chưa tuân thủ kỉ luật bởi chúng ta chưa xây dựng được những quy tắc như thế. Bạn nghĩ sao khi ở bến xe buýt có những vạch hướng dẫn xếp hàng? Khi mọi người đã xếp hàng rồi thì anh nào chen ngang sẽ biết ngay, và số người bất chấp để làm điều này sẽ giảm.

Trong các công xưởng cũng vậy, không có Bảng tiêu chuẩn thao tác thì người công nhân sẽ làm theo kinh nghiệm. Không có Bảng chị đạo kiểm tra họ sẽ kiểm tra theo cách của họ. Còn không biểu thị lối đi thì mọi người sẽ đi đường mình cảm thấy tiện nhất, bất chấp nguy hiểm.

Vì vậy, những người công nhân kia không tuân thủ kỉ luật mình nghĩ một trong những nguyên nhân chính là do những người quản lý chưa xây dựng được quy tắc để họ tuân thủ. Theo một suy nghĩ kaizen trong Toyota đó là “Đừng quy trách nhiệm cho con người, hãy xem xét lại hệ thống”, thì mình nghĩ trách nhiệm nặng hơn đang nằm ở phía tầng lớp quản lý.

Tóm lại, một hệ thống bao gồm những quy tắc sẽ là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra một nhân viên kỉ luật. Bạn nghĩ sao về nhận định này? Theo bạn còn những yếu tố nào ảnh hướng lớn đến tính kỉ luật của một con người? Hãy cho mình biết dưới phần bình luận nhé.


Mời các bạn đăng ký kênh Blogsanxuat để cập nhật thêm nhiều kiến thức hơn nữa.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là blogsanxuat-youtube-2-1024x142.png