Phương thức sản xuất dây chuyền là phương thức thích hợp để sản xuất hàng loạt.
Trong phương thức này chúng ta sẽ sử dụng một dây chuyền để vận chuyển sản phẩm trong quá trình lắp ráp. Khối lượng công việc để lắp ráp một sản phẩm sẽ được chia đều cho số người có mặt.
Chính vì đặc trưng này mà khối lượng công việc của một người sẽ ít, sẽ dễ dàng trong việc thay đổi nhân sự trong dây chuyền.
Định nghĩa phương thức sản xuất dây chuyền
Đầu tiên, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu định nghĩa về phương thức sản xuất dây chuyền nhé.
Là phương thức sản xuất mà công việc được chia đều cho các vị trí làm việc, và sản phẩm sẽ dần được hoàn thiện trong quá trình di chuyển trên băng chuyền qua từng ví trí.
Nào chúng ta sẽ cùng nhìn vào bức ảnh minh hoạ phía trên nhé.
Sản phẩm đang được di chuyển bởi dây chuyền từ trái qua phải. Qua mỗi công đoạn (có một nhân viên phụ trách), sản phẩm sẽ được lắp ráp thêm những chi tiết đã được quy định sẵn và đến công đoạn cuối chúng ta sẽ có một sản phẩm hoàn thiện.
Phương thức sản xuất dây chuyền có những ưu điểm sau:
- Công việc được chia nhỏ theo số nhân viên nên khối lượng công việc của một người ít, dễ nhớ dễ thao tác. Phù hợp với cả nhân viên mới.
- Vì công việc được chia nhỏ nên thiết bị đi kèm trong từng công đoạn cũng được chuyên môn hoá và nhỏ gọn hơn.
- Công việc được phân chia tạo thành một dòng chảy nên năng suất cao và dễ quản lý chất lượng.
Đương nhiên, đi theo đó sẽ là những nhược điểm:
- Do công việc được chia đều cho số nhân viên nên sẽ phiền phức nếu chúng ta thay đổi số người trong một dây chuyền. Ví dụ, chuyền đang chạy với 10 người mà thay đổi xuống còn 8 thì lượng công việc của 2 người sẽ phải chia cho 8 người còn lại. Tức là chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự thao tác, vị trí đặt chi tiết..
- Khi sản phẩm thay đổi, chi tiết thay đổi, thiết bị cũng thay đổi theo. Điều này gây cản trở việc lắp ráp nhiều loại sản phẩm trong cùng một dây chuyền.
- Do công việc được chia nhỏ, nên công việc của mỗi thành viên rất ít và đơn giản. Việc này khiến động lực làm việc của nhân viên khó tăng cao. Ví dụ, dây chuyền nơi mình làm việc lắp ráp 500 sản phẩm mỗi ngày, tức là mỗi người công nhân sẽ làm những thao tác giống nhau 500 lần/ngày. Nghe thôi cũng nản nhỉ?
Phân loại
Phương thức sản xuất dây chuyền có thể phân loại như hình sau:
- Dây chuyền lắp một sản phẩm duy nhất: Hay còn gọi là dây chuyền chuyên dụng. Ví dụ dây chuyền chỉ lắp tivi 40 inch.
- Dây chuyền lắp thứ tự từng lại sản phẩm: Một dây chuyền sẽ lắp ráp tối thiểu hai loại sản phẩm. Tuy nhiên, các loại riêng biệt sẽ được lắp lần lượt theo thứ thứ tự. Ví dụ, sau khi lắp 100 chiếc tivi 40 inch, chúng ta mới chuyển sang lắp 100 chiếc tivi 50 inch. Dây chuyền này sẽ phát sinh thao tác chuẩn bị và thay đổi (chi tiết, thiết bị…) mỗi khi chuyển sang sản xuất sản phẩm khác.
- Dây chuyền lắp hỗn hợp nhiều loại sản phẩm: Hai hay nhiều loại sản phẩm sẽ được lắp ráp đồng thời trên cùng một dây chuyền. Như ở ví dụ trên cứ 100 sản phẩm chúng ta sẽ phải chuẩn bị để đổi mã hàng nhưng ở dây chuyền lắp hỗn hợp mã hàng sẽ thay đổi theo đơn vị là 1 sản phẩm. Việc quản lý dây chuyền này đòi hỏi trình độ rất cao, không phải công ty nào cũng làm được. Nếu bạn có cơ hội thăm công xưởng của Toyota bạn sẽ thấy mỗi một chiếc ô tô thành phẩm chạy ra là một loại khác nhau (hình dưới, sau chiếc ô tô màu xanh là chiếc xe màu trắng).