Năng lực chất lượng là một cụm từ khá mới mẻ với bản thân mình cũng như các bạn độc giả của blogsanxuat.
Mình cũng rất tò mò và tìm hiểu bằng được nó là năng lực gì, được đánh giá ra sao và làm sao để nâng cao năng lực này.
Một nhân viên kĩ thuật được đánh giá ưu tú khi họ có năng lực chất lượng và sử dụng thành thạo 17 công cụ QC. Đây chính là một chỉ số đánh giá nhân viên kĩ thuật trong Toyota Group. Có nghĩa là đây là năng lực tối thiểu công ty này đào tạo cho nhân viên mới và mong muốn họ có được.
Trước khi giới thiệu về năng lực chất lượng và 17 công cụ QC bắt buộc, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những yếu tố căn bản hơn đó là: Xây dựng chất lượng, chất lượng “sản phẩm” và chất lượng “công việc”.
Xây dựng chất lượng
Đầu tiên, để trang bị năng lực chất lượng, một nhân viên chất lượng cần phải biết “Xây dựng chất lượng”.
Chất lượng bắt nguồn từ độ thoả mãn của khách hàng. Một sản phẩm tạo ra không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại thời điểm ra mắt, mà còn phải duy trì được sự thoả mãn trong suốt 5~10 năm sử dụng tiếp theo. Nếu không đáp ứng được điều này, nhà sản xuất khó lòng mời được khách hàng mua sản phẩm tiếp theo. Vì vây, việc xây dựng chất lượng là rất quan trọng.
Vậy cụ thể “Xây dựng chất lượng” là làm những gì?
Đầu tiên, đó là không tạo ra sản phẩm lỗi. Tức là chúng ta phải xây dựng được phương pháp thiết kế, chế tạo, dịch vụ mà ai cũng phải nghĩ “Như thế này là OK”
Thứ hai, trong trường hợp không mong đợi nếu có lỡ để phát sinh sản phẩm lỗi thì tuyệt đối không để lưu xuất xuống công đoạn sau, ra thị trường và tới tay khách hàng. Những sản phẩm không thể nói “Như thế này là OK” chính là sản phẩm thiết kế lỗi, sản phẩm sản xuất lỗi và dịch vụ sản phẩm lỗi.
Nói theo cách khác, việc không để phát sinh sản phẩm lỗi, đồng thời không để lưu xuất sản phẩm lỗi chính là không tạo ra lỗi chất lượng.
Tóm lại, xây dựng chất lượng chính là sự kết hợp giữa việc không tạo ra và không để lưu xuất sản phẩm lỗi chất lượng.
Chất lượng “sản phẩm” và chất lượng “công việc”
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về chất lượng sản phẩm và chất lượng công việc.
Chất lượng sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ) chính là độ thoả mãn của khách hàng. Một sản phẩm hay dịch vụ khi ra đời sẽ luôn bị hỏi rằng liệu có đáp đứng được mục đích sử dụng của khách hàng hay không?
Mặt khác, chất lượng công việc chính là độ thoả mãn của khách hàng đối với công việc. Cụ thể đó là năng lực xử lý công việc, độ chính xác, tính hiệu quả, tỷ lệ hoàn thành. Chất lượng công việc sẽ được nâng cao nếu chúng ta áp dụng phương pháp đề xuất. Có những người chỉ làm những việc được giao, ngược lại có những người lại luôn có những đề xuất để nâng cao kết quả của công việc mình được giao. Người chủ động đưa ra đề xuất trong công việc thường có chất lượng công việc cao hơn.
Như vậy, chất lượng được hình thành bởi “chất lượng sản phẩm” và “chất lượng công việc”. Vì vậy, chúng ta cần trang bị cho mình cả hai loạ chất lượng trên để nâng cao năng lực bản thân nhé các bạn.
Ở bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về năng lực chất lượng.