Tự hoàn thành trong công đoạn là một trong những công cụ QC giúp chúng ta nâng cao chất lượng công việc.
Đây cũng là một trong 17 công cụ QC bắt buộc phải sử dụng tại Toyota. Nếu bạn chưa đọc bài viết trước thì tham khảo về 17 công cụ QC nhé.
Tên gốc tiếng Nhật là Ji Kotei Kanketsu (viết tắt JKK), tạm dịch tiếng Anh là Own Process Completion.
Công cụ QC này được xây dựng dựa trên cơ sở là suy nghĩ “Xây dựng chất lượng trong từng công đoạn”. Mỗi nhân viên sau khi hoàn thành công việc của mình có thể tự tin khẳng định rằng “Như thế này là OK”.
Mỗi người đều đảm nhận công việc riêng của mình, mỗi thao tác đều cần một phán đoán đúng sai trước khi di chuyển đến thao tác tiếp theo. Tự hoàn thành trong công đoạn sẽ là công cụ giúp nhân viên tự phán đoán được đúng sai trong từng thao tác, cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả đúng trong một quá trình hay một công đoạn người đó đảm nhiệm.
Trong công xưởng hẳn mọi người đã từng nghe tới khái niệm “Tự lao động hoá” (Jidoka) của Toyota. Khái niệm này hoàn toàn khác với khái niệm “Tự động hoá” mà chúng ta thường gặp. “Tự lao động hoá” chỉ những thiết bị ngoài khả năng tự động còn mang trí tuệ của con người để phán đoán khi có sự cố xảy ra.
Ví dụ, khi có lỗi về chất lượng hoặc lỗi thiết bị, hệ thống sẽ tự động dừng lại để không sản xuất ra sản phẩm lỗi. Đây chính là suy nghĩ phòng ngừa phát sinh sản phẩm lỗi và không để sản phẩm lỗi lưu xuất đến công đoạn tiếp theo.
Tự hoàn thành trong công đoạn cũng bắt nguồn từ suy nghĩ không để sản phẩm lỗi lưu xuất đến công đoạn sau.
Công cụ này được khởi xướng bởi ông Shinichi Sasaki, nguyên phó giám đốc Toyota.
Khi quan sát bà chủ của quán tạp hoá, ông có một nghi vấn rằng: “Tại sao bà ấy luôn giữ được động lực làm việc mặc dù ngày nào cũng chỉ làm những công việc giống nhau?”. Và câu trả lời ông tìm ra đó là “Bởi vì bà luôn biết ngay được kết quả công việc của mình nên bà cảm nhận được thành quả, dẫn đến động lực làm việc được nâng cao”. Thành quả ở đây chính là nếu bà bán rau cá tươi với giá rẻ thì khách hàng sẽ vui vẻ mua hàng. Ngược lại nếu bán với giá quá cao thì họ sẽ không quay lại lần sau. Tức là bà có thể biết ngay được kết quả công việc mình thực hiện và có thể kaizen để tạo ra thành quả cao hơn.
Trình tự thực hiện công cụ Tự hoàn thành trong công đoạn
Công cụ này sẽ được thực hiện theo trình tự 5 bước như sau:
(Bước 1) Làm sáng tỏ mục tiêu, mục đích của công việc
(Bước 2) Vẽ quy trình công việc bao gồm mối liên quan đến bộ phận khác
(Bước 3) Chia quy trình công việc theo đơn vị yếu tố thao tác
(Bước 4) Quyết định điều kiện đạt và tiêu chuẩn phán đoán cho từng đơn vị yếu tố thao tác
(Bước 5) Vận dụng vào công việc thực tế
Trong bài viết tiếp theo blogsanxuat sẽ giới thiệu một ví dụ để chúng ta nắm rõ hơn cách sử dụng công cụ tuyệt vời này nhé.