Tại Toyota, ngay cả trong công xưởng “Chủ nghĩa tự thân vận động” cũng đã trở thành thói quen.
Ví dụ, khi máy móc thiết bị gặp hỏng hóc, hầu như các công ty khác sẽ chọn giải pháp gọi chuyên gia từ nhà cung cấp tới sửa chữa. Trong lúc đó, họ sẽ không thể sản xuất sản phẩm và chỉ chờ đợi.
Tuy nhiên, tại công xưởng của Toyota, thay vì chờ đợi họ sẽ tự kiểm tra và sửa chữa. Đương nhiên, cũng có lúc họ phải bó tay và gọi nhà cung cấp tới giúp. Nhưng họ vẫn luôn cố gắng tự sửa chữa trong phạm vi có thể.
Khi tiến hành kaizen cũng vậy, thói quen của Toyota là tự tay làm những gì bản thân có thể làm được.
Ví dụ, trong trường hợp dụng cụ thường xuyên để bừa bãi dẫn đến thất lạc, họ sẽ tự làm một cái giá để đặt dụng cụ đặt ngay gần nơi sử dụng. Trong số những chuyên gia xuất thân từ Toyota, không ít người có “sở thích đi mua đồ tại cửa tiệm đồng giá 100 yên”. Bởi vì, tiệm đồng giá một 100 yên là một kho báu đầy dụng cụ để hiện thực hoá ý tưởng kaizen. Nếu chỉ đơn giản cần một chiếc giá để dụng cụ, họ sẽ tới cửa hàng 100 yên mua vật liệu rồi về tự làm lấy.
“Chủ nghĩa tự thân vận động” có một ưu điểm là chúng ta có thể học tập từ “quá trình”. Khi tự mình sửa chữa máy móc, chúng ta sẽ hiểu “thì ra nguyên lý hoạt động như thế này”. Từ đó sẽ dẫn đến những ý tưởng như “nếu sử dụng theo cách này sẽ giảm thiểu được hỏng hóc” hay “nếu sử dụng theo cách kia thì hiệu suất sử dụng sẽ tăng lên”.
Chính vì vậy, Toyota đã dũng cảm tạo ra những công đoạn chỉ thao tác bằng tay. Nếu chỉ chú trọng tới năng suất hiện tại thì những công đoạn như thế không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, trong một môi trường sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc thì kĩ năng làm việc sẽ dần thoái hoá, và công tác cải thiện thiết bị cũng sớm bị chững lại. Để có thể làm việc có giá trị gia tăng cao thì cần thiết phải đầu tư công sức, rèn giũa kĩ năng hàng ngày.
Công việc trong văn phòng cũng vậy, chắc chắn sẽ có những việc tự mình có thể đầu tư công sức. Ví dụ, bạn có thể tự mình thử xây dựng những mẫu tài liệu dễ sử dụng bằng word hoặc excel. Sau đó, bạn tiếp thu ý kiến từ đồng nghiệp xung quanh để cải tiến và nâng cấp thành bản hoàn chỉnh hơn. Nhờ quá trình này, có lẽ bạn sẽ nhận ra “nếu thêm mục này vào thì sẽ dễ truyền đạt hơn” hay “mục này có cũng như không, tốt nhất nên bỏ đi”.
______________________
Tham khảo: Thói quen của Toyota – Nghệ thuật nâng cao năng suất công việc– NXB Phụ nữ/ Nhóm dịch NOMUDAS
Chi tiết: https://bit.ly/37dV7fZ
______________________
Xem video kaizen, sản xuất, quản lý chất lượng tại kênh YouTube Blogsanxuat: https://bit.ly/3u61FHO