Đừng đọc sách giáo khoa, hãy đọc “thực tế”
Ý thức là tổng hòa của kiến thức, trí tuệ và kinh nghiệm
Có rất nhiều người suy nghĩ là để giảm lãng phí và hạ chi phí sản xuất thì kiến thức về chi phí sản xuất rất quan trọng. Nhưng thực ra không hẳn là như vậy. Ông Ono Taichi vẫn thường nói rằng “ý thức giảm chi phí” còn quan trọng hơn nhiều so với “kiến thức về giảm chi phí”.
Kiến thức về giảm chi phí chỉ đơn thuần là những phép tính trong sách giáo khoa.
Ý thức về giảm chi phí là cách suy nghĩ gắn liền với thực tế.
Trong lý thuyết giảm chi phí sản xuất, “chỉ cần đưa vào sản xuất hàng loạt thì giá thành sẽ giảm” hay “sản xuất với số lượng lớn thì đơn giá cũng hạ” là một vài kiến thức kinh tế cơ bản. Những kiến thức này thường được dạy ở trường và cũng có ghi trong sách. Vì thế, không thể nói đây là những kiến thức không chính xác.
Tuy nhiên, chỉ dùng những phép tính đơn giản ấy, khả năng lớn bạn sẽ gặp thất bại trong thực tế. Vì có gom đơn hàng lại để sản xuất với số lượng lớn cũng chưa chắc bán được hết. Mà đã không bán được hết thì ắt có tồn kho. Tồn kho sẽ gây phát sinh thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Nói cách khác, chúng ta đã làm thay đổi hình thức của đồng tiền thành sản phẩm tồn kho. Đừng quên tổn thất khi sinh ra tồn kho là rất lớn. Nên dù có định sản xuất với giá rẻ nhưng nếu không bán được và để tồn kho thì ngược lại giá thành sản xuất lại rất cao.
Suy nghĩ chỉ sản xuất số lượng có thể bán được, với giá rẻ để tránh tồn kho lãng phí mới là ý thức giảm chi phí.
Ý thức không phải là thứ có thể ghi lại trong cuốn hướng dẫn sử dụng mà chỉ được hình thành bởi sự tích luỹ kiến thức, cảm giác và kinh nghiệm.
Việc luôn ý thức nỗ lực giảm chi phí và tiến hành kaizen hàng ngày chính là cốt lõi trong phương thức Toyota.
______________________
Tham khảo: Nghệ Thuật Kaizen Tuyệt Vời Của Toyota– NXB Phụ nữ
Chi tiết: https://bit.ly/3jJcWtS
______________________
Xem video kaizen, sản xuất, quản lý chất lượng tại kênh YouTube Blogsanxuat: https://www.youtube.com/c/Blogsanxuat